Logistics Việt Nam làm sao thích ứng với bối cảnh mới?

Thị trường xuất nhập khẩu được dự kiến sẽ ấm dần lên trong năm 2024 kéo theo nhu cầu về vận tải tăng cao, vậy cách nào giúp ngành logistics Việt Nam thích ứng.

Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo chuyên đề 2: Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới, trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022.

Logistics Việt Nam còn dư địa tăng trưởng cao

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay: Ngành Logisgics đang đứng trước nhiều thay đổi của thị trường, nhu cầu được dự báo tăng lên trong năm 2024, sự đổ bộ của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại trong vận chuyển…Điều này đặt ra câu hỏi vậy doanh nghiệp vận tải của Việt Nam thuộc các lĩnh vực ở đâu, làm thế nào để tận dụng cơ hội đang dần hiện hữu trước mắt là vấn đề cần có lời giải.

Nêu cụ thể về hiện trạng cũng như tiềm năng của vận tải biển, ông Võ Duy Thắng – Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho hay: So sánh với năm 2016, số lượng tàu vận tải của Việt Nam đã giảm từ 1.267 tàu xuống còn 1.032 tàu, tuy nhiên tải trọng lại tăng từ 7,5 triệu tấn lên 10,6 triệu tấn. Về cơ cấu đội tàu, tàu vận tải biển Việt Nam chủ yếu tập trung ở hàng tổng hợp và hàng rời. Một phần nhỏ là tàu tàu container, tàu dầu hóa chất, khí hóa lỏng và tàu khách.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 500 chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu. 38 hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong đó có tất cả các hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay khai thác thị phần quốc tế. Việt Nam có 10 hãng tàu container đang hoạt động chủ yếu thị trường nội địa.

Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển việt nam đến năm 2030 khoảng 1.140-1.423 triệu tấn. Trong đó, hàng container từ 455-559 triệu tấn tương đương 38-47 triệu teu; hàng tổng hợp, rời từ 521-673 triệu tấn; hàng lỏng từ 164-190 triệu tấn”, ông Võ Duy Thắng dự báo.

Ông đồng thời nhấn mạnh: “Với dự báo như này thì thị trường cho vận tải biển là rất lớn, mở ra cơ hội cho đội tàu biển Việt Nam cũng như đội tàu nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam trong những năm tới”.

Trên cơ sở lưu chuyển hàng hoá thực tế, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết: Lượng hàng hoá trong quý 4 dự báo giảm 10-15%, có thể giảm kéo dài sang năm 2023 tuỳ theo mức độ tích cực của thị trường thế giới. Tuy nhiên, do ở trung tâm của khu vực ASEAN, đặc biệt tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên Việt Nam vẫn được đối tác ưu tiên.

Kỳ vọng quý 2/2024 sẽ có sự phục hồi và đi lên của nền kinh tế, kéo theo hoạt động vận tải ấm dần lên. Trong thời điểm hiện tại doanh nghiệp cần đầu tư vào logistics thông minh, phát triển logistics xanh, cảng xanh để đón đầu và sẵn sàng sử dụng khi thị trường tăng trưởng trở lại”, ông Bùi Văn Quỳ khuyến cáo.

Những nhận định trên còn tương đồng đối với thị trường hàng không, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Công ty Asean Cargo Gateway bày tỏ: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không lớn nhất khu vực Đông Nam Á , bình quân 9,5% gấp đôi tốc độ tăng trưởng của khu vực là 4,7%. Quan trọng, hiện nhiều cơ hội phát triển tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được năng lực của mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt.

Liên kết nâng cao sức cạnh tranh

Thị trường vận tải biển, vận tải hàng không được các chuyên gia khẳng định còn nhiều dư địa để tăng trưởng tuy nhiên để tăng tưởng bền vững doanh nghiệp vận tải trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, thiếu vốn, thiếu liên kết, thiếu nhân lực chất lượng cao và chưa bắt nhịp ứng dụng công nghệ số là những điểm yếu được các chuyên gia điểm tên.

Về giải pháp tháo gỡ, với ngành hàng hải, đại diện Cục hàng hải Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng đội tàu biển thời gian tới. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết hành chính. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vận tải biển, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trước mắt, tập trung quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động của các hãng tàu container tại Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương và hỗ trợ thủ tục pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài.

Miễn áp thuế VAT khi nhập khẩu tàu biển để đăng ký tàu biển treo cờ Việt Nam cho đến hết 2026; miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí tải trọng cho các chủ tàu khi mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEU trở lên hoặc cho các tàu chạy bằng năng lượng sạch. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên tàu biển hoạt động trên tuyến nội địa.

Trong ngành này, ông Bùi Văn Quỳ cũng chỉ ra một thực trạng: Ngành vận tải container của chúng ta đang cạnh tranh lẫn nhau, tức là các hãng vận tải cạnh tranh với nhau trên tuyến nội địa. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam muốn có đội tàu hùng cường thì phải hợp lực, liên minh lại để không cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh với quốc tế.

Theo đại diện Tân Cảng Sài Gòn, Việt Nam cũng cần xây dựng một mạng lưới đại lý mạnh ở nước ngoài để cạnh tranh với các hãng tàu quốc tế. Và đi chuyến gần trước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều giải pháp về: Hỗ trợ cho vay vốn đảm bảo bằng tài sản dễ dàng hơn, nới tuổi được phép sử dụng của các máy bay; thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng sân bay, cảng biển; đầu tư ứng dụng nền tảng platfom dùng chung để tạo sự liên kết, thuận lợi trong điều hành…

Về chất lượng nguồn nhân lực, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đánh giá, nhu cầu nhân lực logistics Việt Nam hiện rất lớn, song về chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Về giải pháp cho vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số và logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tích hợp các nội dung, hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho sinh viên về logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số.

Cùng với đó, cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành. Trong đó, hướng tới nhân lực có đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới. Xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật cho các đối tượng theo nhiệm vụ cụ thể để triển khai quản trị nhân lực xanh gắn với logisics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.

Tăng cường phối hợp, chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu và chuyên gia; tăng cường hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất, tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực.

Theo: Nhóm pv Bộ Công Thương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *