Vai trò, mục tiêu của logistics và những vấn đề đặt ra

Logistics là dịch vụ quan trọng về nhiều mặt của nền kinh tế. Mục tiêu phát triển đến năm 2025 ở mức rất cao thể hiện ở nhiều chỉ tiêu, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết….

Ma trận của nền kinh tế có quy mô không nhỏ. Cả nước có gần 100 triệu dân, với 25 triệu hộ gia đình. Cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có trên 22,2 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trên 15.000 hợp tác xã, gần 5,1 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, gần 24.000  trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 700 tỷ USD, với số thị trường nhập khẩu lên đến 200 nước và vùng lãnh thổ, với 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Về xã hội, có trên 15,4 nghìn trường mẫu giáo, có trên 26,2 nghìn trường phổ thông, 242 trường đại học, trên 3.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 14.000 cơ sở khám chữa bệnh công lập và hàng nghìn cơ sở ngoài công lập… Hàng năm có hàng chục triệu khách quốc tế đến Việt Nam và có hàng triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài,…

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA LOGISTICS 

Trước đây, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, sự kết nối cả ở đầu vào, đầu ra đều do Nhà nước chỉ định. Khi mới chuyển sang cơ chế thị trường, cho đến gần đây về dịch vụ vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, nhiều cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp vẫn còn ôm đồm các hoạt động như kho bãi, tổ xe, vệ sinh, bảo vệ, dịch vụ ăn uống… Khi cả nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, ngày một sâu rộng, việc cạnh tranh cũng rất quyết liệt, “ma trận” này rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự kết nối chặt chẽ về nhiều mặt, để “sống được”, hơn nữa “sống khỏe” và phát triển. Muốn có sự kết nối này phải nhờ vào dịch vụ logistics, kinh tế số…

Thông qua dịch vụ logistics, tính chuyên nghiệp của các hoạt động dịch vụ sẽ gia tăng. Các doanh nghiệp logistics nhờ tính chuyên nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp khác có điều kiện tập trung hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiệp vụ chính cũng sẽ làm cho các hoạt động chính đạt hiệu quả, hiệu suất cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế – xã hội. Hiệu quả chung cho kinh tế- xã hội đạt hiệu quả “kép” cũng theo xu hướng này.

Tác động của logistics đối với từng loại doanh nghiệp, từng loại cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp được đề cập cụ thể có rất nhiều.

MỤC TIÊU ĐẾN 2025 RẤT CAO

Quyết định số 221/TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi bổ sung Quyết định số 200/TTg ngày 14/2/2017) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo quyết định này, đến năm 2025 các chỉ tiêu chủ yếu về logistics như sau (bảng 1).

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP đạt 5-6%. Đây là tỷ trọng rất cao khi so với tỷ trọng tương ứng của nhiều ngành kinh tế trong năm 2020 (biểu đồ 1).

Theo đó, tỷ trọng logistics/GDP (5-6%) năm 2025 sẽ cao thứ 6 trong 21 ngành, đứng trên 15 ngành, chỉ thấp thua 5 ngành (tất nhiên giá trị tăng thêm của logistics nằm trong nhiều ngành kinh tế).

Có ý kiến cho rằng, các tỷ trọng trên là của năm 2022, còn cách năm 2025 tới 3 năm. Đến lúc đó, tỷ trọng của một số ngành có thể sẽ cao lên, thì thứ bậc của logistics sẽ không còn được cao như trên. Tuy nhiên, logistics được tích hợp từ nhiều ngành và điều này sẽ được lý giải bởi chỉ tiêu thứ 2 bên dưới. Nhưng dù thế nào thì đây cũng là mức rất cao.

Tốc độ tăng logistics theo mục tiêu đến năm 2025 đạt 15-20%. Đây là tốc độ tăng rất cao, cao gấp đôi, gấp ba tốc độ tăng tương ứng của GDP cả nước theo kế hoạch 2021-2025 (6,5-7%) và khó có ngành nào trong 21 ngành kinh tế đạt được. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất so với các ngành và có thể là rất cao so với thực tế. Theo đó, tỷ trọng giá trị gia tăng của logistics/GDP cả nước đến năm 2025 sẽ cao hơn và thứ bậc cũng sẽ cao hơn năm 2022.

Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics theo mục tiêu đến năm 2025 đạt 50-60%. Một trong những hạn chế lớn của logistics trong thời gian qua là tính kiêm nhiệm còn cao, kể cả các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế, các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Hạn chế này một mặt làm tăng biên chế của các đơn vị, nhất là các cơ quan hành chính, sự nghiệp, mặt khác làm cho năng suất lao động thấp, chi phí cho các hoạt động dịch vụ này cao. Do vậy, tăng tỷ trọng thuê ngoài của logistics là đúng hướng và rất cần thiết, ở mức 50-60% là hợp lý, thậm chí còn thấp. Tuy nhiên, việc đo lường và kiểm tra đánh giá thực hiện mục tiêu trên trong thực tế rất khó khăn, tốn kém.

Giảm chi phí logistics xuống tương ứng 16-20% GDP. Tỷ lệ chi phí logistics của Việt Nam thời gian qua thuộc loại cao, ảnh hưởng đến giá cả, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, logistics không chỉ tăng trưởng cao, tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP, mà còn phải giảm chi phí, giảm giá thuê dịch vụ này, trên cơ sở đó giảm giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tăng GDP chung của cả nước.

Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Đây là một logic đương nhiên, khi 4 chỉ tiêu trên đạt được thì sẽ tăng thứ bậc của Việt Nam trên thế giới về logistics. Nhưng việc đánh giá và so sánh rất kỳ công, phải có số liệu của các nước mới so sánh được…

Theo : Đào Ngọc Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *